Hiệp
định Giơnevơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu
dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do của dân tộc. Hiệp định Giơnevơ là văn bản
pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam
được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham
gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh
thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và
Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh
thổ 3 nước Đông Dương.
Cùng
với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến
lâu dài và anh dũng của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can
thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở
thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước năm 1975.
Hiệp
định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lần đầu
tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn
biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng
nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy
sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách
lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.
Theo
quy định của Hiệp định, hai bên có thời gian 300 ngày (22.7.1954 - 17.5.1955) để
chuyển quân tập kết về Bắc và Nam vĩ tuyến 17, tiến hành trao trả tù binh, giải
quyết các vấn đề sau chiến tranh. Tuy nhiên, với mưu đồ bá chủ thế giới của đế
quốc Mỹ và bản chất cố hữu của chủ nghĩa thực dân, đế quốc Mỹ và thực dân Pháp
đã không nghiêm chỉnh thi hành những điều khoản đã được quy định trong Hiệp định,
tiến hành những hành động nhằm phá hoại cách mạng Việt Nam, cản trở quá trình
giải phóng miền Bắc, chia cắt đất nước ta lâu dài.
Tiếp
tục đưa sự nghiệp cách mạng hoàn thành mục tiêu dân tộc, dân chủ; dưới sự lãnh
đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt
Nam vừa nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, đồng thời đấu tranh hạn chế những hành
động phá hoại của các thế lực phản động và có những bước chuẩn bị cho cuộc chiến
đấu mới, trong hoàn cảnh quốc tế và trong nước chưa hoàn toàn thuận lợi.
So với
chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước, đây là khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng
có những hoạt động hết sức quan trọng nhằm giữ gìn và phát huy thắng lợi của
chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời là bước chuẩn bị đưa sự
nghiệp cách mạng Việt Nam bước vào thực hiện nhiệm vụ mới.
Nhân
kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954 - 21/7/2024), Thư viện tỉnh
Quảng Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc ấn phẩm “300 ngày đấu tranh, thi hành Hiệp định Giơnevơ (22.7.1954 - 17.5.1955)”.
Đây
là một cuốn sách chuyên khảo gồm ba chương. Chương 1, dành để viết về âm mưu
phá hoại Hiệp định của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các thế lực phản động và bối
cảnh thi hành Hiệp định của nhân dân ta. Chương 2, tập trung viết về các vấn đề
của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thực thi Hiệp định trên miền Bắc. Chương 3, viết
về quá trình chuyển quân tập kết, tổ chức lại lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu
dài.
Cuốn
sách góp phần phục dựng, nhìn nhận, đánh giá một cách hệ thống, chân thực, đầy
đủ hơn các vấn đề của 300 ngày thi hành Hiệp định Giơnevơ.
Sách
hiện đang có tại Kho Mượn, Thư viện tỉnh Quảng Nam.
Hân hạnh được đón tiếp quý bạn đọc.