hidden

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và những tác phẩm cho tuổi mới lớn

  • 26/08/2019
  • 4100

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Thuở nhỏ ông theo học tại các trường: Tiểu La, Trần Cao Vân và Phan Châu Trinh. Năm 1973, Nguyễn Nhật Ánh vào Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng đi thanh niên xung phong, dạy Văn tại Trường THCS Bình Tây (Quận 6 – TP. Hồ Chí Minh) từ năm 1983-1985.

Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi, là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,...

Năm 13 tuổi ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: “Thành phố tháng tư”, Nhà xuất bản Tác phẩm mới 1984 (In chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm “Trước vòng chung kết” (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.

Năm 1990, truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập “Kính vạn hoa” được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc trẻ tuổi.

Năm 2004, Nguyễn Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 tập mang tên “Chuyện xứ Lang Biang” nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan về Phù thủy, Pháp sư, Huyền thoại phương Đông, Ma thuật và Thuật phù thủy...

Sau “Chuyện xứ Lang Biang”, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên “Tôi là Bêtô”.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Năm 2012, Nguyễn Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là “Ngồi khóc trên cây” (6/2013), “Chúc một ngày tốt lành” (3/2014), “Bảy bước tới mùa hè”  (3/2015), “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” (2/2016) và “Cây chuối non đi giày xanh” (1/2018)…

Phần lớn những tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang được Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bổ sung, lưu giữ và tổ chức phục vụ bạn đọc

Thành phố tháng tư (Thơ, in chung với Lê Thị Kim, 1984)

Trước vòng chung kết (Truyện dài, 1984)

Cú phạt đền (Truyện ngắn, 1985)

Đầu xuân ra sông giặt áo (Thơ, 1986)

Trò chơi lãng mạn của tình yêu (Tập truyện, 1987)

Chuyện cổ tích dành cho người lớn (Tập truyện, 1987)

Bàn có năm chỗ ngồi (Truyện dài, 1987)

Còn chút gì để nhớ (Truyện dài, 1988)

Bí mật của một võ sĩ (Tập truyện, 1989)

Cô gái đến từ hôm qua (Truyện dài, 1989)

Chú bé rắc rối (Truyện dài, 1989)

Nữ sinh (Truyện dài, 1989)

Thiên thần nhỏ của tôi (Truyện dài, 1990)

Phòng trọ ba người (Truyện dài, 1990)

Mắt biếc (Truyện dài, 1990)

Thằng quỷ nhỏ (Truyện dài, 1990)

Hoa hồng xứ khác (Truyện dài, 1991)

Hạ đỏ (Truyện dài, 1991)

Bong bóng lên trời (Truyện dài, 1991)

Bồ câu không đưa thư (Truyện dài, 1993)

Những chàng trai xấu tính (Truyện dài, 1993)

Tứ tuyệt cho nàng (Thơ, 1994)

Lễ hội của đêm đen (Thơ, 1994)

Trại hoa vàng (Truyện dài, 1994)

Út Quyên và tôi (Tập truyện ngắn, 1995)

Đi qua hoa cúc (Truyện dài, 1995)

Buổi chiều Windows (Truyện dài, 1995)

Quán Gò đi lên (Truyện dài, 1999)

Những cô em gái (Truyện dài, 2000)

Ngôi trường mọi khi (Truyện dài, 2001)

Kính vạn hoa (Bộ truyện 54 tập, 1995-2002: 45 tập, 9 tập viết thêm sau)

Chuyện xứ Lang Biang (Bộ truyện 4 phần, 2004-2006)

Tôi là Bêtô (Truyện, 2007)

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Truyện, 2008)

Đảo mộng mơ (Truyện, 2009)

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Truyện dài, 2010)

Lá nằm trong lá (Truyện dài, 2011)

Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (Truyện dài, 2012)

Sương khói quê nhà (Tạp văn, 2012)

Người Quảng đi ăn mì Quảng (Tạp văn, 2012)

Ngồi khóc trên cây (Truyện dài, 2013)

Thương nhớ Trà Long (Tạp văn, 2014)

Chúc một ngày tốt lành (Truyện dài, 2014)

Bảy bước tới mùa hè (Truyện dài, 2015)

Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Truyện dài, 2016)

Ngày xưa có một chuyện tình (Truyện dài, 2016)

Cây chuối non đi giày xanh (Truyện dài, 2018)

Một số tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể điện ảnh, âm nhạc

“Áo trắng sân trường” (Phim, 1990), dựa trên Truyện dài “Nữ sinh” do Lê Công Tuấn Anh thủ vai.

“Thằng quỷ nhỏ” (Phim, 1997) dựa trên Truyện dài “Thằng quỷ nhỏ”.

“Chú bé rắc rối” (Phim, 1998) dựa trên “Chú bé rắc rối” do Phùng Ngọc thủ vai.

“Bong bóng lên trời” (Phim chuyển thể cùng tên năm 1997) do Hãng Phim truyện Việt Nam (VFC) sản xuất cũng là bộ phim miền Bắc duy nhất.

“Nữ sinh” (Phim chiếu năm 2008) dài 10 tập, dựa trên Truyện dài “Nữ sinh”, “Bồ câu không đưa thư” và “Buổi chiều Windows” do Quang Vinh thủ vai.

“Kính vạn hoa” (Phim, 2004) của TFS, dựa trên tác phẩm “Kính vạn hoa”.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Phim, 2015) dựa trên tác phẩm cùng tên.

“Cô gái đến từ hôm qua” (Phim, 2017) do Ngô Kiến Huy & Miu Lê thủ vai.

“Ngồi khóc trên cây” (Phim sẽ bấm máy vào tháng 9/2018 và phát sóng vào dịp hè 2019.

 

Trong gần 3 thập kỷ sáng tác, Nguyễn Nhật Ánh có một sự nghiệp đồ sộ gần 100 tác phẩm văn học mà quá nửa là best seller khi ra mắt. Theo số liệu thống kê của các đơn vị phát hành và nhà xuất bản, tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn nằm trong danh sách những tác phẩm bản chạy nhất.

- “Bảy bước tới mùa hè” là tác phẩm viết về tuổi học trò hồn nhiên với những câu chuyện vui tươi và những rung động đầu đời ngây thơ, trong sáng.

Cuốn sách được đánh giá là người lớn đọc cũng sẽ cảm thấy như được sống lại thời tuổi trẻ và hoàn toàn có thể yên tâm khi con em mình đọc bởi Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn luôn hướng tới một tinh thần văn chương trong sáng, tốt đẹp.

- Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Tác phẩm chuyển thể thành công nhất. Dù có cả những bình luận khen và chê với tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Victor Vũ nhưng có thể khẳng định “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm được chuyển thể thành công nhất cho tới nay của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, phiên bản điện ảnh dù có những chi tiết khác biệt với tác phẩm văn học gốc nhưng vẫn khiến khán giả đặc biệt những ai từng đọc qua sách phải xúc động với câu chuyện về các nhân vật Thiều, Tường, Mận, Nhi.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không phải tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh được các đạo diễn chuyển thể nhưng là tác phẩm đầu tiên lên màn ảnh rộng.

- “Kính vạn hoa” - Tác phẩm dài nhất.

Bộ truyện dài này có 54 tập, kể về những câu chuyện vui buồn, nghịch ngợm của tuổi học trò xoay quanh 3 nhân vật chính là Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long. Mỗi tập là một câu chuyện khác nhau và đều chứa đựng những bài học cuộc sống sâu sắc, ý nghĩa.

Được ra mắt cuối thập niên 1990 nhưng bộ truyện đã tái bán lại rất nhiều lần. Năm 2012, Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản với ấn phẩm 9 tập khổ lớn và 54 tập khổ nhỏ.

“Kính vạn hoa” cũng đã được chuyển thể thành 3 phần phim truyền hình chiếu trên kênh HTV9 của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.

- “Trước vòng chung kết” - Tác phẩm đầu tiên định vị "thương hiệu" văn Nguyễn Nhật Ánh.

Năm 1984, cái tên Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện lần đầu trên văn đàn khi đứng chung cùng tác giả Lê Thị Kim trong tập thơ “Thành phố tháng tư”. Nhưng một năm sau, tác phẩm truyện dài đầu tiên của ông mang tên “Trước vòng chung kết” ra mắt đã ấn định ngay một phong cách văn chương riêng của Nguyễn Nhật Ánh.

Cuốn sách là câu chuyện về niềm đam mê trái bóng được lồng ghép với những chi tiết về tình bạn, tuổi học trò nhẹ nhàng và đáng yêu. Chủ đề bóng đá tiếp tục được khai thác ở tác phẩm truyện ngắn “Cú phạt đền” ra mắt cùng năm 1985.

Từ tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh trở thành một "thương hiệu" văn chương cho tuổi mới lớn mà thành công kéo dài suốt gần 3 thập niên.

- “Cô gái đến từ hôm qua” - Tác phẩm truyền cảm hứng âm nhạc nổi tiếng nhất

“Cô gái đến từ hôm qua” được viết năm 1989 và được đánh giá là một trong những tác phẩm lãng mạn, xúc động nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Một câu chuyện nhẹ nhàng, trong trẻo dành cho tất cả mọi người, nhất là những ai vừa rời xa khung trời hoa phượng.

Tinh thần của cuốn sách đã được Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh truyền tải rất thành công trong ca khúc cùng tên. Tiết tấu chậm rãi, ca từ đẹp và lãng mạn của bài hát đã ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ khán giả.

Ca khúc “Cô gái đến từ hôm qua” do Thu Phương thể hiện rất thành công và nhiều ca sĩ khác đã hát ca khúc này như Mỹ Tâm, Đức Tuấn, Lynk Lee... nhưng bản ghi âm được đánh giá hay nhất là của Thu Phương ra mắt năm 2000. Bài hát cũng được nhận Giải thưởng Bài hát Việt năm 2003.

Mới nhất

THƯ MỤC QUẢNG NAM THÁNG 8 NĂM 2024

KỶ NIỆM 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 - 19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2024)

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2024)

Xem nhiều nhất

Dương Thụy tên thật là Dương Thụy Phương Khanh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học, có năng khiếu viết văn và sở thích viết văn nên Dương Thụy đã đến với đọc giả lứa tuổi thanh thiếu nên qua truyện ngắn "Búp bê băng giá" khi tác giả còn là học sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh).