Nhà giáo
Việt Nam – Tiểu sử và giai thoại
Vũ Ngọc Khánh
Thầy cô không chỉ là người dạy học, mà còn là
người nâng niu và gìn giữ những ước mơ của con trẻ. Dạy học không chỉ là nghề nghiệp,
mà còn là sứ mệnh mà không phải ai cũng được giao phó. Vì vậy, công lao của
những bậc làm thầy rộng lớn không kém công lao của cha mẹ, cũng giàu hi sinh và
tình cảm, cũng bao la sâu sắc, một vài lời không đủ diễn tả công ơn rộng như
trời bể đó của thầy cô.
Con ơi ghi nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy
chớ quên.
Nhân kỷ niệm 40
năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Thư viện tỉnh Quảng Nam
xin trân trọng giới thiệu đến quý độc
giả quyển sách “Nhà giáo Việt Nam – Tiểu sử và giai thoại” của tác giả
Vũ Ngọc Khánh. Đây là công trình viết về
những nhà giáo tiêu biểu gắn liền với sự nghiệp giáo dục của nước ta do Nhà
xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2012.
Tác phẩm gồm 321 trang được chia thành 6 phần:
Phần thứ 1: Viết về các thầy vào bậc quốc sư, là những
người thầy đã trở thành biểu tượng của ngành Giáo dục Việt Nam như: Chu Văn An
(1292 – 1370); Lương Đắc Bằng (1471 – 1521); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585);
Nguyễn Thiếp (1723 – 1804)
Phần thứ 2: Giới thiệu về những người thầy tiêu biểu trong
lĩnh vực hoạt động chính trị như: Nguyễn Trãi (1380 – 1442); Phạm Văn Nghị
(1805 – 1884); Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872); Lương Văn Can (1854 – 1927); Đặng
Thúc Hứa (1870 – 1931); Phan Bội Châu (1867 – 1940)…
Phần thứ ba: Giới
thiệu đến bạn đọc về các bà giáo tiêu biểu như: Nguyễn Thị Lộ (không rõ năm
sinh – 1442); Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748); Nguyễn Thị Hinh (Bà Thanh Quan)…
Phần thứ tư: Những
tên tuổi tiêu biểu của các thầy chuyên khoa và bách khoa được giới thiệu như:
Lê Văn Hưu (1230 – 1322), giữ chức Học sĩ Viện Hàn lâm kiêm Giám tu quốc sử,
ông là nhà sử học đầu tiên ở Việt Nam, và là người soạn bộ Đại Việt sử ký gần 30 quyển năm 1272;
Lê Quý Đôn (1726 – 1784), giữ chức vụ Thi thư và Thị giảng trong Viện Hàn lâm,
ông là một trong những người thầy xuất sắc nhất ở nước ta; Phạm Đình Hổ (1768 –
1839), giữ chức Thừa chỉ ở Viện Hàn lâm và Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương
hiệu trưởng trường đại học); Phạm Vọng (sống vào thế kỷ XIX); Nguyễn Đức Đạt
(1824 – 1887)…
Phần thứ năm: Giới
thiệu các thầy chủ trì các ngôi trường danh tiếng như: Trần Ích Phát (không rõ
năm sinh và mất), Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789; Ngô Thế Vinh (1802 – 1856); Nhữ
Bá Sĩ (1788 – 1867); Đỗ Xuân Cát (1806 – 1864; Đoàn Huyên (1808 – 1882)…
Phần thứ sáu: Viết về
các thầy có hoàn cảnh và phong cách riêng như: Lê Quang Bí là người thầy đầu tiên sang Trung Quốc dạy
học; Ngũ Phương Dương Tồn, là nhà văn tài giỏi và bậc thầy về khoa địa lý phong
thủy; Lê Hữu Trác (1720 – 1791), một học giả có kiến thức uyên bác và phương
pháp luận tiến bộ; Nguyễn Doãn Cử (1821 – 1890); Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888);
Bùi Hỷ (1887 – 1960)...
Đây là một tài liệu quý góp phần nêu
cao tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, ghi nhớ công lao vì sự
nghiệp trồng người của các tiền nhân để các thế hệ nhà giáo hôm nay phát huy
tốt ngành giáo dục nước nhà, góp phần xây dựng quê hương và đất nước.
Sách hiện đang được phục vụ tại
Thư viện tỉnh Quảng Nam. Rất mong quý độc giả đến tham quan và đọc sách!