Di Li không chỉ nổi tiếng trong văn đàn với những cuốn trinh thám dày cộp đầy chi tiết gay cấn, rùng rợn. Di Li còn là tác giả của những tập du ký lôi cuốn, thôi thúc người đọc lên đường. Sau ba tập du ký Đảo thiên đường (2009), Nụ hôn thành Rome (2015), Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ (2017), năm 2018, tác giả cho ra mắt “Bình minh ở Sahara”.
Trong nhiều tác phẩm trước, Di Li viết về đảo Bali (Indonesia), những ngọt ngào say đắm ở Italy hay những vùng đất châu Á, thì trong Bình minh ở Sahara, tác giả đưa người đọc đến với vùng sa mạc lớn nhất thế giới.
Tác giả kể về hành trình của mình tới cực Tây của châu Âu với những cơn gió thốc, thành phố Casablanca đã đi vào bộ phim kinh điển, những ma trận trong thành cổ Marakesh, núi Phú Sĩ lúc vào thu, những con đường lộng gió ven bờ Ấn Độ Dương ở Colombo và thủ đô tí hon nhất thế giới của Maldives. Tác giả tái hiện không khí nhộn nhịp của quảng trường ở Madrid, những trận đấu đẫm máu giữa võ sĩ và bò tót.
Theo chân Di Li qua mỗi trang sách, người đọc được khám phá Sahara bằng hành trình từ thủ đô Rabat đến Casablanca, tới Marakesh rồi từ đó vượt Atlas để băng qua sa mạc lớn nhất hành tinh.
Dưới ngòi bút của một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, sa mạc Sahara hiện lên với phong cảnh nhuốm màu huyền bí với những trang viết đầy “ma lực”:
- “Kể từ lúc Hamid đưa chúng tôi sang phía Nam dãy Atlas, tôi thấy mình lạc vào không gian siêu thực của một bộ phim khoa học viễn tưởng. Địa hình thay đổi hoàn toàn. Những rặng đá xám trở nên xỉn màu rồi ngả sang đen rám hoặc đỏ quạch. Bốn bề bao vây bởi đá. Đá ở khắp nơi. Đá núi, đá tảng, đá cuội và đá răm. Không còn dấu vết sự sống"…
- "Ngay cả những thổ dân Berber kiên cường nhất đã từng tiếp nối truyền thống ngàn năm của tổ tiên chuyên du cư vùng sa mạc cũng từ chối nơi này. Tôi không nhìn thấy nước và thực vật, dù chỉ là vài vẩy cỏ dại mốc meo hay lớp nhớp địa y. Không gì cả ngoài màu sắc của sao Hỏa"… (Trích Bình minh ở Sahara)
Tác giả Di Li ở Sahara.
Ngoài những trang viết đầy “ma lực” ấy, tác giả cũng miêu tả nhiều cảnh đẹp rất trữ tình, đẹp đến nao nao lòng, khó tả:
- “Hôm nay sẽ nắng to, đêm qua tôi đã thấy sao trời chi chít, báo hiệu cho một sớm mai rực rỡ. Còn bây giờ, vầng dương đang khó nhọc trồi lên từ phía ngân hà. Nó phết một màu hồng lợt lên bầu trời còn vương xám xịt rồi chậm rãi ban phát thêm một viền vàng sáng"…
- "Mặt biển vẫn tỏa những quầng loang đến vô tận, và gió, thốc thác đánh bay cả mớ tóc ngái ngủ vốn đã rối bù. Tôi đang ngồi giữa biển. Đại dương bình yên bao quanh căn lều nước bằng gỗ. Và chúng tôi kiên nhẫn đợi mặt trời”…(Trích Thủ đô tí hon nhất thế giới).
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là người đồng hành cùng tác giả trong chuyến đi 15 nước, từ châu Á sang châu Âu, đến Bắc Phi nói: "Tôi vô cùng khâm phục sự dẻo dai, tính chịu đựng, vô tư cũng như sự thông minh, hiểu biết, nhạy bén của Di Li trong mọi vấn đề ở những chuyến đi. Và nếu như bạn chưa có các chuyến đi ấy, hãy đọc cuốn sách này. Di Li sẽ cho bạn thấy kinh nghiệm du lịch của nàng là vô cùng đáng giá".
Di Li là tác giả của hơn 20 đầu sách. Tác giả còn là một giảng viên, một dịch giả.
Nhà báo Trương Anh Ngọc, một tác giả viết du ký được người đọc yêu thích cũng nhận định: “Một lần nữa, Di Li đưa độc giả đến những vùng đất khác nhau của thế giới, từ châu Âu đến châu Á, qua sa mạc Sahara, với sự háo hức của người đi khám phá và sự bình thản của người kể chuyện từng trải. Đọc du ký của Di Li cũng là một cách tuyệt vời để ta mở cánh cửa lòng mình, bước ra thế giới"…
Tác giả Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh ngày 3 tháng 6 năm 1978 tại Hà Nội, từng theo học tại Trường Phổ thông Trung học Việt Đức. Tốt nghiệp Cử nhân tiếng Đức và tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Thạc sĩQuản lý Giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện là Giảng viên tiếng Anh Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Di Li là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội Nhà văn và Dịch giả Châu Á - Thái Bình Dương.
Di Li là cây bút năng động; viết văn, viết báo, giảng dạy, làm truyền thông và dịch thuật, viết giáo trình tiếng Anh chuyên ngành thương mại, quan hệ công chúng. Tác giả nêu quan điểm: "Tôi luôn coi mình là con số không, đặt mình ở điểm xuất phát thấp nhất để luôn nỗ lực vươn tới thành công. Tôi cũng khuyên các bạn như vậy"… Trong lĩnh vực văn chương, Di Li đã xuất bản hơn 20 đầu sách là tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký; trong đó, tác phẩm được yêu thích nhất là Trại hoa đỏ (*). Tác giả từng đoạt Giải Ba Cuộc thi Truyện ngắn Quân đội (2005 - 2006) với truyện ngắn Cocktail, Giải Ba Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký (2007 - 2010) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ…
Tác giả Di li tại buổi ra mắt cuốn sách "Bình minh ở Sahara"
TÁC PHẨM CỦA DI LI (NGUYỄN DIỆU LINH)
- Truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, bút ký: Tầng thứ nhất (2007), Điệu valse địa ngục (2007), Bảy ngày trên sa mạc (2009), Đảo thiên đường (2009), Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường (2010), Tháp Babel trên đỉnh thác ánh trăng (2010), Cocktail thị thành (2010), Chiếc gương đồng (2010), Trại Hoa Đỏ (2011), Nhật ký mùa hạ (2011), Chuyện làng văn (2012), San hô đỏ (2012), The Black Diamond (2012), Adam & Eva (2013), Câu lạc bộ số 7 (2016)...
- Sách chuyên ngành: Giáo trình tiếng Anh chuyên ngành Thương mại (2007), Kỹ năng viết trong Quan hệ công chúng (2011), Tôi PR cho PR (2013)…
- Truyện dịch: Người yêu dấu (2008), Người làm chứng (2009), Giết người đưa thư (2009), Bóng đêm bao trùm (2009), Rừng Răng - Tay (2010), Tàn tích (2012), Xác chết dưới nước (2012)…
--------------------------------------------
(*) Trại Hoa Đỏ được phát hành năm 2009 nhưng bản thảo tác phẩm đã được nhà văn đăng tải dần lên mạng từ tháng 10 năm 2007. Qua blog cá nhân của mình, Di Li lần lượt giới thiệu từng chương truyện, chỉ giấu hai chương mở nút cuối cùng. Với kết cấu chặt chẽ, mạch truyện kín, Di Li kể cho người đọc một câu chuyện không hề dễ đoán như các tác phẩm trinh thám thông thường của Việt Nam.
Nhân vật chính của tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ là Diên Vĩ, một thiếu phụ sang trọng và xinh đẹp. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ Diên Vĩ được chồng tặng cho một trang trại nằm lọt giữa một vùng rừng núi âm u, hẻo lánh. Ngay khi đặt chân đến trang trại có nhiều loài hoa đỏ nở kín rừng một cách huyền bí, Diên Vĩ đã thấy có rất nhiều những cảm giác bất an vây bủa xung quanh mình. Những người bản địa thuộc một dân tộc thiểu số kì dị; những cái chết bí ẩn xảy ra liên tục; những truyền thuyết ma quái về dòng họ Quách… đã khiến cho Diên Vĩ thực sự sợ hãi và kinh hoàng trong suốt quãng thời gian chị có mặt ở Trại Hoa Đỏ. Trong bối cảnh đó, cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách, một khách mời của trang trại trong ngày khánh thành, tình cờ trở thành thám tử điều tra những cái chết bí ẩn ở Trại Hoa Đỏ. Cùng thời điểm ấy, người bạn thân nhất của anh bị sát hại khi đang điều tra một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Chôn chặt nỗi đau, anh âm thầm tìm kiếm kẻ giết bạn.
Ông Nguyễn Thụ (Phó Giám đốc Nhà xuất bản Công an Nhân dân) cho rằng: "Với tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ, nhà văn Di Li là người đầu tiên khai mở một thể loại tiểu thuyết kết hợp giữa trinh thám và kinh dị".
Nhà văn Trần Thanh Hà, người vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu về tiểu thuyết trinh thám Việt Nam cho biết: "Truyện trinh thám, cũng như truyện kinh dị, rùng rợn, đều đã có ở Việt Nam từ thế kỷ trước với những tác phẩm của Thế Lữ, Hồ Dzếnh. Nhưng gần đây, hai thể loại này không phát triển. Di Li là người đầu tiên tạo nên hình thức kết hợp cả giữa trinh thám và kinh dị". Trần Thanh Hà cũng nhận xét thêm: "Di Li xử lý rất giỏi các vấn đề về kỹ thuật hình sự dù chị không phải là người trong nghề".